Mỗi con người ai cũng có mục tiêu phấn đấu cho riêng mình. Trong cuộc sống văn minh hiện đại và phát triển như ngày nay đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn cố gắng, phấn đấu không ngừng nghỉ để đi đến bước đường thành công.
Lỗ Tấn một nhà văn nổi tiếng Trung Quốc đã từng viết “Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng“. Thành công chỉ đến với những ai biết theo đuổi đến cùng.

Vậy thành công là gì? Thành công là đạt được mục tiêu mà bản thân đề ra, là đạt được những điều mình mong muốn và nhiều hơn thế nữa.
Trên con đường mình theo đuổi để đi đến với thành công, đến với thắng lợi và cái đích cuối cùng của những ước mơ, hoài bão không bao giờ ngừng nghỉ…thì không thể có chỗ cho những kẻ lười biếng đi đến được mà chỉ dành cho những con người biết cố gắng, phấn đấu không ngại khó khăn thử thách, dám đương đầu với mọi chông gai để đặt chân đến bước đường thành công.
Còn những kẻ lười biếng chưa làm nhưng ngại khó, sợ thử thách và chùn bước trước những chông gai mà không có lòng quyết tâm thì chẳng bao giờ có thể chạm tay đến thành công được.
Cái giá phải trả cho sự lười biếng là sự thất bại, thậm chí là tất cả những gì mình đang có trong tay.
Câu nói của Lỗ Tấn muốn khẳng định rằng để có được thành công mỗi con người chúng ta cần phải cần cù, chăm chỉ còn những kẻ lười biếng sẽ chẳng bao giờ có được thành công.
Con đường dẫn đến thành công không bao giờ được trải bằng thảm đỏ mà nó được đánh đổi bởi những công sức, nghị lực, và sự cố gắng vượt qua thử thách, nếm trải những vị đắng của mồ hôi và nước mắt để chạm tay vào thành công.
Con đường đó chỉ dành cho những ai dám đối đầu với thử thánh, dám chịu đựng và nỗ lực không chịu lùi bước khi gặp khó khăn.
Tại sao “Trên đường thành công không có vết chân của người lười biếng”? Vì có ước mơ, có hoài bảo mà không chịu lao động để biến chúng thành sự thật thì tất cả chỉ là viễn vông xa vời, là suy nghĩ của những kẻ chỉ biết ngồi mát ăn bát vàng và chúng sẽ không bao giờ đạt được.
Trong cuộc sống cũng vậy, của cải và vật chất đều do bàn tay con người lao động mà có. Để có được những thứ đó, họ phải trải qua sự khổ cực để đạt được ví dụ như: các nhà khoa học thì nghiên cứu thực hiện các thí nghiệm, phát minh ra nhiều thứ khác để phục vụ cho con người, người nông dân thì phải cần cù thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương để tạo ra những hạt gạo cho bữa cơm no ấm.
Mỗi con người đều phải chăm chỉ làm việc để gặt hái được thành công ngoài sự chăm chỉ họ còn phải vượt qua sự gian khổ, có khi là cả sự thất bại. Sự cần cù ấy không phải chỉ được tính bằng ngày bằng giờ thậm chí cả hằng năm cả cuộc đời con người.
Còn những kẻ lười biếng chỉ muốn hưởng thành quả mà không muốn lao động bằng chính sức lao động của mình thì chẳng mấy chốc mà trở nên đói nghèo. Những người như vậy, đến bản thân của họ cũng sẽ không lo nổi cho cuộc sống huống chi nói đến việc đạt tới thành công trong sự nghiệp. Xã hội sẽ tự sa thải những con người ấy để phát triển chứ không bao giờ dung túng cho họ.
Không cần phải nói đâu xa, chính bản thân của mỗi học sinh chúng ta thành công bước đầu tiên là tốt nghiệp PTTH và đặt chân vào giảng đường đại học. Nhưng thành công ấy chỉ dành cho những ai biết cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện bản thân chứ không dành cho những ai lười biếng chỉ mơ ước thi đỗ đại học trong khi chỉ biết chơi bời không chịu học hành.
Hay một tấm gương sáng mà chúng ta ai ai cũng biết là thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí, mặc dù bị liệt cả hai tay nhưng với sự cố gắng và quyết tâm học chữ thầy đã bắt đầu tập viết bằng đôi chân, những nét chữ đầu tiên tuy khó khăn nhưng với nghị lực phi thường không chịu lùi bước thầy đã đạt được thành công, chạm vào mơ ước của mình để trở thành một thầy giáo ưu tú được mọi người ngưỡng mộ và khâm phục.

Vậy tại sao bạn không dám đương đầu với thử thách để chạm đến thành công? Và một tấm gương sáng khác trong học tập là anh Lê Bá Khánh Trình, người đã nỗ lực hết mình để nắm trong tay giải thưởng cao quý trong cuộc thi toán quốc tế mà nhiều người ao ước.
Những câu chuyện ngụ ngôn như “há miệng chờ sung” hay “rung cây đợi thỏ” cũng đã cho ta thấy được những bài học đắt giá về sự lười biếng, những trả giá mà kẻ siêng ăn nhác làm phải nhận lấy không bao giờ tốt đẹp.
Từ câu nói của Lỗ Tấn, mỗi chúng ta cần rút ra cho mình một bài học, một ý chí ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường PTTH để sau này phấn đấu cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Một bài toán khó sẽ không thể tìm ra đáp án nếu chúng ta không cố gắng tìm kiếm cho nó một lời giải thích hợp. Một bài văn sẽ chỉ mới là bắt đầu hoặc đang còn dang dở nếu như chúng ta lười biếng không chịu nỗ lực để hoàn thành nó.
Mặc dù câu nói của Lỗ Tấn cách xa chúng ta hàng trăm năm về trước nhưng nó vẫn còn giá trị kể cả bây giờ cho đến mai sau, cho mọi thế hệ.
Sống ở đời đừng bao giờ ngại khó khăn mà phải luốn cố gắng hết sức vượt qua vì con đường thành công sẽ không có dấu chân của kẻ lười biếng.