Danh mục bài viết
Startup là gì
Startup là một công ty trẻ tuổi mới bắt đầu phát triển. Các startup thường nhỏ và ban đầu được vận hành bởi một số ít những người sáng lập hoặc một cá nhân. Các công ty này cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ không được cung cấp trên thị trường hoặc các sản phẩm đang cung cấp trên thị trường có chất lượng kém hơn.
Đầu tư vào startup
Trong giai đoạn đầu, chi phí của các công ty khởi nghiệp có xu hướng vượt quá doanh thu của họ khi họ phát triển, thử nghiệm và tiếp thị ý tưởng của công ty. Vì vậy, họ cần các nguồn tài trợ.
Việc đầu tư vào startup là hành động đầu tư vào một công ty giai đoạn đầu. Ngoài những đóng góp của người sáng lập, một số công ty khởi nghiệp bổ sung nguồn vốn ở một số giai đoạn tăng trưởng của họ. Không phải tất cả các công ty khởi nghiệp đang cố gắng tăng nguồn vốn đều thành công trong việc gây quỹ.
Các startup có thể được tài trợ bởi các khoản vay kinh doanh nhỏ thông qua ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Các quỹ đầu tư cũng có thể cung cấp cho các startup cả vốn và các lời khuyên. Trong khi gia đình và bạn bè có thể cung cấp các khoản vay không lãi suất.
Một startup có thể chứng minh tiềm năng của mình có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm để đổi lấy việc từ bỏ một số quyền kiểm soát và tỷ lệ sở hữu công ty.
Cách định giá một startup
Trước khi quyết định đầu tư vào một công ty nào đó, câu hỏi quan trọng nhất đó là: Doanh nghiệp này trị giá bao nhiêu?
Về lý thuyết, giá trị của một tài sản tài chính là giá trị chiết khấu của dòng tiền trong tương lai. Thật không may, dự đoán dòng tiền trong tương lai của một startup lại không thật sự đáng tin cậy. Phải là doanh nghiệp càng lâu năm, phương pháp này mới càng chính xác và đáng tin cậy.
Dưới đây là một số cách mà các nhà đầu tư tiềm năng có thể định giá một startup khi không có doanh thu:
Định giá startup theo giai đoạn
Đây là phương pháp dễ nhất: Định giá một startup theo giai đoạn phát triển. Startup càng tiến triển được xa bao nhiêu, phát triển nhiều thế nào, thì rủi ro càng ít lại và họ được định giá càng cao.

Định giá startup theo giá trị tương lai
Phương pháp này dựa trên giả định cơ bản là các nhà đầu tư tìm kiếm mức lợi nhuận gấp 5 – 10 lần đối với khoản đầu tư của họ trong giai đoạn 5 năm. Nhà đầu tư cần hỏi những câu hỏi sau:
– Công ty này có thể được bán với mức giá là bao nhiêu trong 5 năm tới kể từ bây giờ?
Giả sử là 100 triệu USD. Bạn có thể xác định con số này thông qua việc so sánh với một vài trường hợp startup tương tự.
– Các doanh nhân định giá công ty hiện tại bao nhiêu?
Giả sử là 10 triệu USD. Như vậy nó phù hợp với mong muốn thu về lợi nhuận gấp 10 lần ban đầu của bạn, tương đương mức giá trị từ 10 – 100 triệu USD, chưa tính đến việc cổ phần bị pha loãng sau này.
– Bạn nghĩ khoản đầu tư của mình sẽ bị pha loãng ra sao trong những vòng sau?
Nên nhớ là sẽ có nhiều đơn vị nữa đầu tư vào startup và làm loãng cổ phần của bạn. Như vậy giả sử cổ phần của bạn bị pha loãng 1 nửa mà nếu ở mức định giá 100 triệu USD như kể trên tức là để vẫn đạt được mức lợi nhuận gấp 10 lần, giá trị công ty này cần đạt được phải là 200 triệu USD.
Định giá startup thông qua các khoản chi phí
Thông qua các khoản chi phí mà công ty phải chịu để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển và mua tài sản hữu hình. Tuy nhiên, phương pháp định giá này không xem xét tài sản vô hình hoặc tiềm năng trong tương lai của công ty .
Định giá startup thông qua so sánh công ty tương tự
Cách tiếp cận thị trường xem xét những gì các công ty tương tự gần đây đã được mua lại. Tuy nhiên, bản chất của một startup thường có nghĩa là không có công ty nào có thể so sánh được và ngay cả khi có doanh số của công ty tương đương, các điều khoản của họ có thể không được công khai.
Phương pháp định giá kiểu Berkus
Được tạo ra bởi Dave Berkus, phương pháp định giá này dùng để áp dụng cho doanh nghiệp chưa có doanh thu và định giá cơ bản dựa trên sự phát triển của startup. Giá trị cao nhất là 2 triệu USD (hoặc nhiều trường hợp lên tới 2,5 triệu USD). Bạn chỉ cần thêm 1/2 triệu USD cho mỗi giai đoạn phát triển thêm của startup.

Phương pháp định giá theo giá trị phạm vi giới hạn
– Startup cần bao nhiêu?
Thông thường một startup mới kinh doanh cần khoảng 500.000 USD để hoạt động 18 tháng và có đủ động lực để phát triển tiếp. Các nhà đầu tư không nên cố gắng thoả thuận dưới mức này bởi nó sẽ hạn chế hoạt động kinh doanh của startup, từ đó tăng nguy cơ thất bại và kết quả cuối cùng là khoản đầu tư thua lỗ.
– Nhà đầu tư muốn nhận bao nhiêu?
Việc cho các nhà đầu tư nắm giữ tới 50% cổ phần sẽ khiến các nhà sáng lập có ít cổ phần và động lực hơn để làm việc chăm chỉ. Mức tiêu chuẩn thường nằm trong khoảng từ 10 – 30%.
Pre-money valuation là giá trị công ty trước khi gọi vốn. Post-money valuation là giá trị công ty sau khi gọi vốn. New funding là số vốn gọi được thêm trong vòng mới.
Post-money valuation = pre-money valuation + new funding
Cố phần chia cho người đầu tư = new funding/post-money valuation
Như vậy, nếu mức 500.000 USD và 10 – 30% là cố định thì thường giá trị công ty post-money vào khoảng 1,6667 triệu USD (khi đổi lấy 30% cổ phần) và 5 triệu USD (khi đổi lấy 10% cổ phần). Do đó, giá trị pre-money vào khoảng 1,17 triệu USD và 4,5 triệu USD.
Các startup có tỷ lệ thất bại khá cao, các nhà đầu tư muốn xem xét không chỉ là ý tưởng, mà còn là kinh nghiệm của đội ngũ quản lý. Các nhà đầu tư cũng nên phát triển một chiến lược rút lui, bởi vì cho đến khi họ bán được, thì bất kỳ lợi nhuận nào cũng chỉ tồn tại trên giấy.